Thông tin tai nạn giao thông
Sự kiện chính
Trên thế giới, ước tính mỗi năm có 1,25 triệu người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ.
Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhóm thanh niên từ 15 – 29 tuổi.
90% các trường hợp tử vong đường bộ trên toàn cầu xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, mặc dù số lượng phương tiện giao thông ở các nước này chỉ chiếm ½ của thế giới.
½ các trường hợp tử vong đường bộ là “người đi đường dễ bị tổn thương”: người đi bộ, người đi xe đạp và xe máy.
Nếu không có hành động cụ thể, tai nạn giao thông đường bộ được dự đoán sẽ tăng lên trở thành nguyên nhân đứng thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu vào năm 2030.
Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến 2030 đã đặt mục tiêu đầy tham vọng, đó là đến năm 2020 sẽ giảm ½ trường hợp thương tích và tử vong do tai nạn giao thông đường bộ.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,25 triệu người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ. Có từ 20 – 25 triệu người bị thương tích không tử vong nhưng lại chịu hậu quả khuyết tật do chấn thương đem lại.
Tổn thất của tai nạn giao thông đường bộ không chỉ tác động đến cá nhân, gia đình mà còn đem lại hậu quả to lớn cho cả quốc gia. Những thiệt hại phát sinh từ chi phí điều trị (bao gồm phục hồi chức năng và điều tra vụ việc) cũng như giảm hoặc mất năng suất lao động (ví dụ như tiền lương) do tử vong hoặc hậu quả khuyết tật bởi chấn thương; bên cạnh đó các thành viên trong gia đình cũng mất thời gian nghỉ việc (nghỉ học) để chăm sóc cho những người bị thương.
Ít có đánh giá toàn cầu về ước tính chi phí tổn thất do chấn thương, nhưng nghiên cứu năm 2010 cho thấy rằng chi phí mất đi do tai nạn giao thông đường bộ chiếm khoảng 3% tổng thu nhập quốc nội của các nước. Và con số này tăng lên đến 5% ở các nước thu thập thấp và trung bình.
Tai nạn giao thông đường bộ dường như bị “lãng quên” từ các chương trình y tế toàn cầu trong nhiều năm qua dù đã được dự đoán trước và phần lớn là phòng ngừa được. Bằng chứng từ nhiều nước cho thấy rằng những thành công đáng kể trong việc ngăn ngừa tai nạn giao thông đường bộ có thể đạt được thông qua những nỗ lực phối hợp liên quan đến nhưng không hạn chế của ngành y tế.
Những đối tượng nguy cơ
Tình trạng kinh tế xã hội
Hơn 90% các ca tử vong là do tai nạn giao thông đường bộ xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tỷ lệ thương tích tử vong do tai nạn giao thông đường bộ cao nhất ở các nước thu nhập thấp và trung bình thuộc khu vực châu Phi. Ngay cả trong các nước có thu nhập cao, những cá nhân đến từ nền kinh tế xã hội thấp hơn có nhiều khả năng bị tai nạn giao thông đường bộ hơn.
Tuổi
Nhóm tuổi từ 15 đến 44 chiếm 48% các ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ toàn cầu.
Giới tính
Ở nhóm người trẻ, nam giới có nguy cơ bị tai nạn giao thông đường bộ cao hơn nữ giới. Khoảng ¾ (73%) tất cả các trường hợp tử vong do giao thông đường bộ là nam giới. Trong số những lái xe thuộc nhóm người trẻ, tần suất tử vong ở tài xế nam dưới 25 tuổi cao gấp 3 lần nữ giới.
Yếu tố nguy cơ và những can thiệp có thể thực hiện để giải quyết
Tai nạn giao thông đường bộ có thể được ngăn chặn. Chính phủ các nước cần hành động để giải quyết vấn đề an toàn đường bộ một cách toàn diện, đòi hỏi phải có sự tham gia từ nhiều lĩnh vực (giao thông, cảnh sát, y tế, giáo dục), và bao gồm sự an toàn của giao thông đường bộ, xe cộ và chính người tham gia giao thông.
Can thiệp hiệu quả bao gồm thiết kế cơ sở hạ tầng an toàn hơn và kết hợp các tính năng an toàn đường bộ vào sử dụng đất và quy hoạch giao thông; cải thiện các tính năng an toàn của phương tiện giao thông; và cải thiện chăm sóc sau tai nạn cho các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ. Các can thiệp đến hành vi người tham gia giao thông cũng quan trọng không kém, ví dụ như thiết lập và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến các yếu tố nguy cơ quan trọng, và nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Những yếu tố nguy cơ chính
Tốc độ
- Sự gia tăng tốc độ trung bình có liên quan trực tiếp đến khả năng xảy ra tai nạn và mức độ nghiêm trọng của hậu quả vụ tai nạn.
- Nguy cơ tử vong ở người đi bộ dưới 20% nếu va chạm với phương tiện giao thông có vận tốc 50km/giờ và tăng lên 60% nếu vận tốc là 80km/giờ.
- Ở những nơi tập trung nhiều đối tượng lưu thông trên đường bộ dễ bị tổn thương như khu dân cư, trường học...thì tốc độ làm giảm nguy cơ va chạm và được khuyến cáo là 30km/giờ.
- Ngoài giảm thiểu thương tích giao thông đường bộ thì tốc độ di chuyển trung bình thấp hơn có thể có những tác động tích cực khác về sức khoẻ (ví dụ như giảm các vấn đề về hô hấp liên quan đến khí thải xe hơi).
Uống rượu/ bia khi tham gia giao thông
- Uống rượu bia và lái xe làm tăng cả nguy cơ va chạm và tử vong hoặc chấn thương nghiêm trọng.
- Nguy cơ bị tai nạn giao thông tăng lên đáng kể khi nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt quá 0,04g/dl.
- Các luật lệ qui định về kiểm soát BACs thấp hơn hoặc bằng 0,05g/dl có hiệu quả trong việc giảm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu/ bia.
- Việc thiết lập triển khai các trạm đánh giá tình trạng tỉnh táo và đo ngẫu nhiên nồng độ cồn trong khí thở đã được chứng minh là có hiệu quả trong giảm các vụ tai nạn liên quan đến uống rượu bia, ước tính là 20%.
- Người trẻ tuổi lái xe hoặc mới lái dưới ảnh hưởng của uống rượu/ bia có nguy cơ bị tai nạn giao thông đường bộ cao hơn những người lái lâu năm và có kinh nghiệm.
- Luật về kiểm soát BACs (< 0,02g/dl) đối với lái xe trẻ tuổi và người mới lái giúp giảm các vụ tai nạn liên quan đến người trẻ tuổi lên đến 24%.
Đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy
- Đội mũ bảo hiểm đúng cách khi di chuyển bằng xe máy giúp có thể giảm nguy cơ tử vong lên đến 40% và nguy cơ chấn thương nghiêm trọng hơn 70%.
- Khi luật đội mũ bảo hiểm được thi hành có hiệu quả, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm có thể tăng lên tới hơn 90%.
- Yêu cầu về mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn cần đảm bảo mũ bảo hiểm có hiệu quả làm giảm tác động đến đầu khi gặp va chạm.
Dây đai an toàn và ghế/ dây cài an toàn trẻ em
- Thắt dây đai an toàn giúp giảm nguy cơ tử vong khoảng 40 – 50% cho người ngồi trước và khoảng 25 – 75% cho người ngồi sau. Luật về bắt buộc thắt dây đai an toàn và việc thực thi đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc tăng tỷ lệ người thắt dây đai an toàn khi tham gia giao thông.
- Việc sử dụng và thắt dây an toàn đúng cách giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh khoảng 70% và trẻ nhỏ là 54 – 80%.
Lái xe mất tập trung
- Có nhiều loại phiền nhiễu dẫn đến sự mất tập trung khi lái xe, nhưng trong thời gian gần đây có sự gia tăng đáng kể việc sử dụng di động của người tham gia giao thông và ngày càng trở thành mối quan tâm về an toàn giao thông đường bộ. Sự phân tâm gây ra bởi điện thoại di động có thể làm giảm hiệu suất lái xe. Sử dụng điện thoại di động làm lái xe có thể có phản ứng chậm hơn (phản ứng khi đạp phanh cũng như phản ứng với các tín hiệu giao thông), không đủ khả năng kiểm soát để đi đúng làn đường và đi sát xe phía trước hơn.
- Nhắn tin cũng làm giảm đáng kể hiệu năng tập trung khi lái xe, đặc biệt những tài xế trẻ tuổi có nguy cơ bị phân tâm bởi hoạt động này.
- Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động làm tăng nguy cơ bị tai nạn giao thông gấp 4 lần so với người không sử dụng.
- Trong khi có rất ít bằng chứng cụ thể đề làm thế nào giảm thiểu sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe, cần phải có sự chủ động từ phía chính phủ. Những hành động có thể được thực hiện bao gồm: áp dụng các biện pháp về lập pháp, phát động chiến dịch nâng cao nhận thức trong cộng đồng, và thường xuyên thu thập dữ liệu về các trường hợp bị mất tập trung khi lái xe để hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề này.
Những phản ứng của WHO
Phối hợp thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ
Năm 2010, đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UN) đã tuyên bố nghị quyết về Một thập kỷ hành động vì An toàn giao thông đường bộ (2011 – 2020). Đến tháng 5/2011, Chương trình này đã được triển khai trên 110 quốc gia với mục tiêu cứu sống hàng triệu mạng người bằng cách cải thiện độ an toàn của các con đường và những phương tiện tham gia giao thông. Tăng cường các hành vi của người sử dụng đường bộ và cải thiện các dịch vụ cấp cứu.
WHO là cơ quan đi đầu trong việc phối hợp với các Uỷ ban khu vực của UN – vì An toàn giao thông đường bộ trong hệ thống UN. WHO chịu trách nhiệm phụ trách chương trình Hợp tác An toàn giao thông Liên Hợp Quốc và là thư ký của chương trình Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông 2011 – 2020. WHO đóng vai trò quan trọng trong hướng dẫn các nỗ lực toàn cầu bằng cách tiếp tục vận động cho an toàn giao thông đường bộ ở cấp chính trị cao nhất, biên soạn và phổ biến thực hành tốt trong công tác phòng chống, thu thập dữ liệu và chăm sóc chấn thương; chia sẻ thông tin với cộng đồng về các nguy cơ rủi ro và làm thế nào để giảm thiểu rủi ro, thu hút sự chú ý đến nhu cần gia tăng tài trợ.
Giám sát tiến độ thông qua các báo cáo tình trạng toàn cầu
"Báo cáo tình trạng toàn cầu về an toàn giao thông năm 2015" của WHO trình bày các thông tin về an toàn đường bộ từ 180 quốc gia là báo cáo thứ ba trong loạt các báo cáo và cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình an toàn giao thông trên toàn cầu, các báo cáo tình trạng toàn cầu là các công cụ chính thức để theo dõi Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2011-2020.
Hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia:
WHO hoạt động trên phạm vi các quốc gia, từ công tác phòng chống ban đầu đến phục hồi chức năng cho những người liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ. Như vậy, WHO làm việc theo cách tiếp cận đa ngành và quan hệ đối tác với các bên liên quan cấp quốc gia ở một loạt các lĩnh vực như y tế, an ninh, giao thông, giáo dục và các bên liên quan khác trong phòng chống tai nạn thương tích khi giao thông đường bộ bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ và các học giả.
WHO hợp tác với Sáng kiến Bloomberg cho An toàn đường bộ toàn cầu (Bloomberg Initiative for Global Road Safety_BIGRS) giai đoạn 2015-2019 nhằm giảm thiểu tử vong và thương tích do tai nạn giao thông đường bộ ở các nước và các thành phố có thu nhập thấp và trung bình bằng cách tăng cường luật an toàn đường bộ ở cấp quốc gia và thực hiện các biện pháp can thiệp an toàn đường bộ đã được kiểm chứng ở cấp thành phố. WHO tham gia chương trình tại 4 quốc gia Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Cộng hòa Tanzania bằng cách hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực lập pháp và đào tạo báo chí.
WHO cũng hỗ trợ an toàn đường bộ theo những cách khác như cải thiện an toàn xung quanh các trường học ở Malawi, Mozambique và giúp cải thiện các dịch vụ khẩn cấp ở Kenya, Ấn Độ và cải thiện các hệ thống thu thập dữ liệu (cả trong các lĩnh vực y tế và cảnh sát), WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực này và các sáng kiến an toàn đường bộ quốc gia khác tiến đến các chương trình chính phủ bền vững. WHO cũng đưa ra hướng dẫn làm nổi bật thực hành tốt trong phòng chống tai nạn thương tích khi lưu thông đường bộ, sau đó hỗ trợ các chính phủ để thực hiện các chương trình hay chính sách được đề xuất như một hướng dẫn thực hành tốt về tăng cường sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy và hạn chế uống rượu khi lái xe đã được triển khai tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations), trong khi một hướng dẫn cải thiện chăm sóc chấn thương trước nhập viện sẽ được áp dụng ở Kenya và Ấn Độ. Năng lực trong nước được phát triển thông qua việc thực hiện các hướng dẫn này cũng như thông qua đào tạo trực tiếp tại các lĩnh vực khác nhau về phòng chống thương tích (như thông qua các khóa tập huấn về giám sát thương tích và cải thiện dịch vụ chăm sóc chấn thương).