Thông tin động vật cắn/húc
Sự kiện chính
Bị động vật cắn là một trong những nguyên nhân quan trọng gây bệnh tật và tử vong trên toàn cầu.
Hàng năm trên thế giới có khoảng 5 triệu người bị rắn cắn, phần lớn là tại Châu Phi và Đông Nam Á.
Khi bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng xử lý vết cắn và dùng thuốc kháng nọc rắn.
Bị chó cắn chiếm hàng triệu ca thương tích hàng năm; nguy cơ cao nhất là ở trẻ em.
Bệnh dại là một vấn đề đáng kể sau khi bị chó, mèo hoặc chuột cắn.
Bị động vật cắn gây nên vấn đề sức khoẻ y tế công cộng lớn ở trẻ em và người lớn trên toàn thế giới. Tác động sức khoẻ của người bị động vật cắn tuỳ thuộc vào loại và sức khoẻ của con vật; kích cỡ và sức khoẻ của người bị cắn và khả năng tiếp cận với sự chăm sóc thích hợp.
Rắn cắn
Phạm vi của vấn đề
Mỗi năm, trên toàn thế giới ước tính có khoảng 5 triệu ca rắn cắn, trong số này, rắn độc gây ra tử vong và bệnh tật chiếm tỷ lệ đáng kể. Có khoảng 2,4 triệu ca ngộ độc rắn cắn và 94000 – 125000 ca tử vong hàng năm; 400000 ca phải cắt bỏ một số bộ phận và các hậu quả sức khoẻ nghiêm trọng khác như nhiễm trùng, uốn ván, sẹo, co thắt và di chứng tâm lý. Sự tiếp cận hạn chế với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và khan hiếm thuốc kháng nọc rắn làm tăng mức độ nghiêm trọng của thương tích và hậu quả của nó.
Đối tượng nguy cơ
Phần lớn các trường hợp bị rắn cắn xảy ra ở Châu Phi và Đông Nam Á; phổ biến nhất ở khu vực nông thôn, nguồn lực hạn hẹp và người dân sống chủ yếu dựa vào nghề nông và một số nghề lao động phổ thông khác. Người làm nông nghiệp, phụ nữ và trẻ em là nhóm dễ bị rắn cắn nhất. Thêm vào gánh nặng thương tích này là tác động kinh tế xã hội của họ đối với gia đình và cộng đồng. Nạn nhân người lớn thường là người có thu nhập và lao động chính trong gia đình; và nạn nhân trẻ em có thể bị khuyết tật suốt đời làm gia tăng nhu cầu cho gia đình và cộng đồng.
Điều trị
Có khoảng 600 loài rắn độc và ước tính 50% - 70% các ca rắn cắn là rắn độc. Vào thời điểm bị cắn, điều cơ bản cần làm là cố định hoàn toàn phần cơ thể bị cắn và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế. Dây buộc và cắt vết thương có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của nọc độc và không nên dùng để cấp cứu.
Thông thường, nạn nhân bị rắn cắn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng nọc rắn. Điều quan trọng là thuốc này phải phù hợp với loài rắn đặc hữu của khu vực. Ngoài dùng thuốc kháng nọc rắn ra, nạn nhân phải được rửa sạch vết thương để giảm nguy cơ nhiễm trùng, liệu pháp hỗ trợ như hỗ trợ đường thở và tiêm vắc xin uốn ván khi xuất viện nếu người đó đã chủng ngừa bệnh uốn ván không đầy đủ.
Phòng ngừa rắn cắn và hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ
Phòng ngừa rắn cắn liên quan đến thông tin cho cộng đồng về rủi ro rắn cắn và một số kỹ thuật phòng ngừa như
- Tránh các khu vực cỏ mọc cao;
- Mang giày bảo vệ/ giày ống;
- Giữ cho khu vực nhà kho không có loài gặm nhấm;
- Loại bỏ rác rưởi, củi và những đồ không cần thiết xung quanh nhà;
- Bảo vệ thực phẩm trong hộp để chống loài gặm nhấm, nâng cao giường và dùng lưới chống muỗi, mắc màn...
- Để phòng ngừa, hạn chế các hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ của rắn cắn, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nên được giáo dục về quản lý các trường hợp rắn cắn, bao gồm cả việc sử dụng hợp lý và quản lý đúng cách chất kháng nọc rắn. Các cơ quan y tế công cộng và các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo cung cấp các biện pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả cho cộng đồng, các quốc gia và khu vực cần thiết nhất và ưu tiên các sáng kiến nghiên cứu để xác định thêm gánh nặng của thương tích này.
Chó cắn
Phạm vi của vấn đề
Không có ước tính toàn cầu về tỷ lệ bị chó cắn, tuy nhiên một số nghiên cứu cho rằng có khoảng 10 triệu trường hợp thương tích do chó cắn mỗi năm. Ví dụ như tại Hoa Kỳ, ước tính mỗi năm có khoảng 4,5 triệu người bị chó tấn công; trong số này, 885.000 người đến cơ sở y tế để được chăm sóc, 30.000 người làm thủ tục tái tạo, 3 – 18% bị nhiễm trùng và có từ 10 – 20 trường hợp tử vong. Các nước có thu nhập cao khác như Úc, Canada và Pháp có tỷ lệ mắc và tử vong tương đương.
Tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, dữ liệu bị phân mảnh nhiều hơn, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy rằng 76 – 94% các trường hợp động vật tấn công là chó. Tỷ lệ tử vong ở chó cắn cao hơn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình so với ở các nước có thu nhập cao vì bệnh dại là một vấn đề ở những nước này và có thể sẽ không có điều trị sau phơi nhiễm và tiếp cận chăm sóc sức khoẻ thích hợp. Ước tính có khoảng 55.000 người chết mỗi năm vì bệnh dại, và các vết cắn từ chó dại chiếm phần lớn số người chết.
Đối tượng nguy cơ
Trẻ em chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những đối tượng bị chó cắn, với tỷ lệ cao nhất ở giai đoạn giữa và cuối của thời thơ ấu. Nguy cơ thương tích ở đầu và cổ của trẻ em cao hơn so với người lớn, làm tăng mức độ nghiêm trọng, cần thiết phải điều trị kịp thời và nguy cơ tử vong cao.
Ở một số quốc gia, tỉ lệ nam giới bị chó cắn cao hơn nữ giới. Bị chó cắn chiếm hơn 50% các thương tích liên quan đến động vật ở những người đi du lịch.
Điều trị
Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí của vết cắn, tình trạng sức khoẻ tổng thể của nạn nhân và cân nhắc xem con chó mà tấn công nạn nhân đã được tiêm vắc xin ngừa dại hay chưa. Các nguyên tắc chính của việc chăm sóc bao gồm:
- Đến cơ sở y tế sớm;
- Rửa và làm sạch vết thương;
- Khâu đóng miệng vết thương nếu nguy cơ nhiễm trùng thấp;
- Sử dụng kháng sinh dự phòng nếu có nguy cơ nhiễm trùng cao hoặc người suy giảm miễn dịch;
- Điều trị phơi nhiễm dại tuỳ thuộc vào tình trạng tiêm chủng của chó;
- Tiêm vắc xin uốn ván nếu nạn nhân chưa được chủng ngừa đầy đủ.
- Phòng ngừa chó cắn và hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ
- Trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em cần được cảnh bảo về những nguy cơ bị chó cắn và cách phòng ngừa ví dụ như không lại gần chó đi lạc, giám sát trẻ em nếu có chó xung quanh.
- Các cấp quản lý, chi cục thú y cần phải có giải pháp kiểm soát tiêm phòng đầy đủ cho chó. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nên được giáo dục về quản lý các trường hợp thương tích này. Các cơ quan y tế và các nhà hoạch định chính sách nên đảm bảo việc kiểm soát bệnh dại trong quần thể chó, đảm bảo cung cấp vắcxin phòng bệnh dại phù hợp cho người có nguy cơ bị bệnh dại và phát triển các hệ thống thu thập dữ liệu để ghi lại gánh nặng của vấn đề này.
Mèo cắn
Phạm vi của vấn đề
Trên toàn thế giới, các trường hợp bị mèo cắn chiếm 2 – 50% các trường hợp thương tích do động vật tấn công. Đứng thứ 2 sau tỷ lệ nạn nhân bị tấn công bởi chó. Ví dụ tại Ý, tỷ lệ mắc các thương tích do mèo là 18 trên 100.000 dân, tại Hoa Kỳ theo thống kê mỗi năm có khoảng 400.000 vụ mèo cắn và 66.000 lượt đến khám tại khoa cấp cứu của các cơ sở y tế.
Đối tượng nguy cơ
Phụ nữ trưởng thành có nguy cơ bị mèo cắn cao nhất
Điều trị
- Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí của vết cắn và tình trạng tiêm chủng của động vật gây ra vết cắn.
- Quản lý y tế sớm bao gồm làm sạch vết thương;
- Dùng kháng sinh dự phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm;
- Điều trị phơi nhiễm dại tuỳ thuộc vào tình trạng tiêm chủng của mèo;
- Tiêm vắc xin uốn ván nếu nạn nhân chưa được chủng ngừa đầy đủ.
Phòng ngừa mèo cắn và hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ
Cộng đồng cần được thông báo và nguy cơ bị mèo cắn và cách phòng ngừa, bao gồm cả tiêm phòng dại cho mèo. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cần được giáo dục về việc quản lý thích hợp các thương tích này. Các cơ quan y tế và các nhà hoạch định chính sách nên đảm bảo việc kiểm soát bệnh dại trong quần thể động vật và cung cấp các liệu pháp điều trị bệnh dại sau khi tiếp xúc và dự phòng kháng sinh cho người bị cắn. Họ cũng nên hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu nhằm cung cấp thêm thông tin về gánh nặng do mèo cắn.
Khỉ cắn
Phạm vi của vấn đề
Khỉ cắn chiếm tới 2 - 21% các chấn thương do động vật tấn công. Ví dụ ở Ấn Độ, có hai nghiên cứu cho thấy các trường hợp bị khỉ tấn công đứng hàng thứ hai sau tỷ lệ chó cắn.
Đối tượng nguy cơ
Khỉ cắn là một nguy cơ quan trọng, đứng thứ hai sau nguy cơ chó cắn trong nhóm những khách du lịch.
Điều trị
Việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, vị trí của vết cắn và liệu có nghi ngờ bệnh dại ở khỉ hay không. Các nguyên tắc chăm sóc chính bao gồm:
- Quản lý y tế sớm bao gồm làm sạch vết thương;
- Dùng kháng sinh dự phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm;
- Điều trị phơi nhiễm dại tuỳ thuộc vào tình trạng tiêm chủng của động vật;
- Tiêm vắc xin uốn ván nếu nạn nhân chưa được chủng ngừa đầy đủ.
Phòng ngừa khỉ cắn và hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ
Cộng đồng và khách du lịch nên được thông báo về những nguy cơ của việc khỉ tấn công và cách phòng ngừa. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cần được giáo dục về việc quản lý thích hợp các thương tích này. Các cơ quan y tế và các nhà hoạch định chính sách nên đảm bảo kiểm soát bệnh dại ở các quần thể khỉ, và cung cấp các phương tiện điều trị bệnh dại sau khi tiếp xúc và dự phòng kháng sinh cho người bị cắn. Họ cũng nên hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu nhằm cung cấp thêm thông tin về gánh nặng của khỉ cắn.
Phản ứng của WHO
WHO đang làm việc để giải quyết các vấn đề sức khoẻ cộng đồng về chấn thương do động vật cắn.
Đối với rắn cắn, WHO đã đưa ra một số công cụ để giúp hướng dẫn việc phát triển, phân phối và quản lý hiệu quả thuốc kháng nọc rắn.
Đối với bệnh dại, WHO khuyến khích tiếp cận nhiều hơn với điều trị sau phơi nhiễm thông qua việc đẩy mạnh sản xuất các loại sinh phẩm điều trị bệnh dại, tiếp tục giáo dục phòng chống bệnh dại và tiêm chủng cho chó.
Đối với tất cả các vết thương cắn động vật, WHO:
- Ưu tiên các sáng kiến thu thập dữ liệu để giúp xác định gánh nặng và các yếu tố nguy cơ của những thương tích này;
- Ủng hộ việc tăng cường các dịch vụ ứng phó khẩn cấp cho những người bị thương;
- Thúc đẩy các sáng kiến nghiên cứu tập trung vào các can thiệp dự phòng có hiệu quả và các quần thể bị ảnh hưởng nhiều nhất